Chỉ tính riêng sạc pin các loại, mỗi năm Samsung cần 400 triệu chiếc. Tính lãi sơ sơ mỗi chiếc sạc pin là 0,5 USD, mỗi năm doanh nghiệp Việt Nam bỏ túi 200 triệu USD.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc công ty Điện tử Samsung Vina - đơn vị liên doanh giữa công ty Cổ phần TIE và Tập đoàn điện tử Samsung cách đây gần 1 năm cũng bày tỏ mong muốn được hợp tác với doanh nghiệp Việt trong sản xuất các linh kiện điện tử.

 

Ông Đạo cho rằng, với bất kì nhà sản xuất nào, nếu phải lựa chọn vật tư linh kiện từ 2 nhà cung cấp có chất lượng và giá ngang nhau thì dĩ nhiên nhà cung cấp nội được ưu tiên vì không phải mua bằng ngoại tệ, không phải làm thủ tục nhập khẩu. Khi nhà máy của Samsung phát triển, các đơn vị sản xuất hàng phụ trợ chắc chắn sẽ phải đi theo.

 

Theo ông Đạo, Samsung Vina khẳng định, doanh nghiệp Việt vẫn còn chỗ, nhưng họ cần phải giải quyết ngay các vấn đề cơ bản như chất lượng sản phẩm phụ trợ, dịch vụ đi kèm và giá bán trước khi bàn tới việc lớn hơn là phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

 

Tuy nhiên, ông Trương Thanh Hoài - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công thương lại cho rằng, dù "miếng mồi ngon", nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải ngậm ngùi từ chối và câu trả lời là: "Chưa làm được (không đáp ứng được công nghệ và giá thành). Mà trong đó có những linh kiện nghe rất đơn giản như cái sạc pin, cáp USB, vỏ nhựa, tai nghe...".

 

Những chuyện này thực sự không mới khi cách đây mấy năm, Công ty Canon - Nhật Bản đã lùng khắp nước Việt, làm việc với 20 doanh nghiệp để đặt mua ốc vít, nhưng không doanh nghiệp nào sản xuất được. "Họ đem cơm tới dâng tận miệng, nhưng đành phải từ chối".

 

Giám đốc một công ty điện tử trong nước từng tâm sự: “Công nghiệp điện tử Việt Nam là công nghiệp tuốc-nơ-vít bởi các doanh nghiệp trong nước chỉ có thể vặn ốc và thêm vài mũi hàn là hết”.

Nói về thực trạng này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, hiện đã có nhiều chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ được ban hành nhưng không có một giải pháp triển khai nào cụ thể, khiến cho tiến trình thực hiện vẫn giậm chân tại chỗ. Doanh nghiệp muốn bắt tay vào làm thì sợ rủi ro vì để đầu tư vào lĩnh vực này phải mất vài ba năm và cần có nhiều chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng, thuế, phí... nhưng thực tế thì chỉ có hô hào chung.

 

Trả lời báo chí, GS. Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, Samsung sử dụng toàn bộ dây chuyền tự động. Theo đó nếu làm linh kiện cho Samsung thì cũng sẽ phải đầu tư công nghệ.

 

"Nay ngay lập tức chúng ta chưa làm được cũng là đúng vì từ trước đến nay chúng ta chưa có doanh nghiệp nào làm cho điện thoại di động hay laptop. Bây giờ mới bắt đầu kết nối với Samsung nên không đáp ứng được cũng là dễ hiểu", GS. Nguyễn Mại nhấn mạnh.

 

Công nghiệp phụ trợ không phải là một ngành trời ơi đất hỡi nào đó mà nó tập trung vào từng lĩnh vực cụ thể. Ví dụ CNPT cho ô tô khác, dệt may khác, da giày khác, điện tử cũng khác... Trong khi đó từ trước tới nay chúng ta chưa từng đầu tư mà nay ngồi đó để phán là không làm được thì nói như thế là không đúng.

 

"Tôi đã từng đến tận mắt chứng kiến dây chuyền sản xuất của Samsung, thấy linh kiện cao cấp nhưng nếu chúng ta quyết tâm bỏ tiền đầu tư sẽ làm được hết", ông Mại cho hay.

 

Sắp tới ngày 11/9, phía Samsung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Hiệp hội doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài sẽ tổ chức hội thảo, triển lãm. Theo đó danh sách này cũng sẽ được chuyển cho các doanh nghiệp để đối thoại.

 

"Hiện nay tôi được biết đã có 250 doanh nghiệp đăng ký tham gia nhưng chúng tôi đã thảo luận và thống nhất sẽ chọn các doanh nghiệp có thể đầu tư để làm. Chính vì thế lúc này chưa nên nói gì vội!", ông Mại khẳng định.